Các ngành nghề bị cấm tại Việt Nam là những ngành nào?

Luật doanh nghiệp là một lĩnh vực pháp luật đặc biệt quan trọng trong pháp luật kinh doanh, là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lí và hoạt động, tổ chức lại, giải thể các loại hình doanh nghiệp.
Đăng trả lời
bestgaren
Thành viên gắn bó
Bài viết: 52
Ngày tham gia: 17:27 - 10/8/2022
Được cảm ơn: 20 lần
Tiếp xúc:

Các ngành nghề bị cấm tại Việt Nam là những ngành nào?

Bài viết chưa xem by bestgaren »

Tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh là một trong những nội dung của quyền tự do kinh doanh. Nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Khi đăng ký thành lập, chủ doanh nghiệp có quyền lựa chọn và đăng ký nhũng ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự lựa chọn của chủ doanh nghiệp phải phù hợp với những quy định về quản lý ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh theo pháp Luật Doanh nghiệp và pháp Luật Đầu tư.

Với vai trò là người kiến tạo và kiểm soát môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tùy thuộc yêu cầu của quản lý nhà nước, yêu cầu điều tiết thị trường, trong mỗi thời kỳ cần khuyến khích hoặc hạn chế những mặt hàng, dịch vụ trong các lĩnh vực kinh doanh, Nhà nước ban hành những quy định cụ thể đối với những nhóm ngành nghề kinh doanh và lĩnh vực, địa bàn đầu tư khác nhau.

Từ phương diện pháp lý, ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam được chia thành những nhóm chủ yếu là: Ngành nghề bị cấm kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề kinh doanh thuộc những lĩnh vực và địa bàn được khuyến khích, ưu đãi đầu tư.

Nhóm thứ nhất, ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Đó là những ngành, nghề thuộc các lĩnh vực đầu tư mà hoạt động của doanh nghiệp có thế gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hoại môi trường. Định kỳ, Chính phủ quy định và công bố danh mục cụ thể những ngành, nghề bị cấm đối với tất cả mọi loại hình doanh nghiệp, những ngành, nghề chỉ cấm đối với một số doanh nghiệp của các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài theo phương thức bình đẳng, minh bạch và tuân thủ những cam kết quốc tế. Người đầu tư thành lập doanh nghiệp chỉ được đăng ký hoạt động trong những ngành, nghề, những lĩnh vực đầu tư không thuộc loại bị cấm mà Nhà nước đã công bố.

Luật Đầu tư (Điều 30) quy định các lĩnh vực cấm đầu tư là:

Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.
Các dự án gây phương hại đến di tích lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Các dự án gây tổn hại đến sức khỏe nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường.
Các dự án xử lý phế thải độc hại đưa từ bên ngoài vào Việt Nam; sản xuất các loại hóa chất độc hại hoặc sử dụng tác nhân độc hại bị cấm theo điều ước quốc tế.
Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.

Hiện hành, Điều 7 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 quy định Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh bao gồm:

Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
  1. Kinh doanh chất ma túy các loại;
  2. Kinh doanh hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế);
  3. Kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách;
  4. Kinh doanh các loại pháo;
  5. Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội;
  6. Kinh doanh các loại thực vật, động vật hoang dã, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến, thuộc Danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác, sử dụng;
  7. Kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, mua bán người;
  8. Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép dưới mọi hình thức;
  9. Kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân;
  10. Kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài;
  11. Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;
  12. Kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường;
  13. Kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa và thiết bị cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và/hoặc sử dụng tại Việt Nam;
  14. Các ngành, nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành.
Doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề bị cấm sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bị bắt buộc giải thể. Trong một số trường hợp đặc biệt, được phép của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp có thể hoạt động trong những ngành, nghề bị cấm. Việc kinh doanh các ngành, nghề bị cấm, áp dụng theo quy định của các luật, pháp lệnh hoặc nghị định chuyên ngành liên quan.

Nhóm thứ hai, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là những ngành nghề thuộc các lĩnh vực đầu tư mà theo yêu cầu quản lý, điều tiết nền kinh tế, Nhà nước xác định doanh nghiệp cần phải có những điều kiện nhất định thì mới bảo đảm tham gia cạnh tranh và cạnh tranh có hiệu quả hoặc Nhà nước không khuyến khích mà hạn chế kinh doanh.

Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được thể hiện qua hai nội dung: Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành của nền kinh tế, được ban hành trong nhiều văn bản khác nhau và do nhiều cơ quan nhà nước ban hành. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhất định. Hiện tại đó là các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ (gọi chung là pháp luật chuyên ngành) và phải được công bố công khai. Các quy định về loại ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề đó tại các văn bản quy phạm pháp luật khác ngoài các loại văn bản quy phạm pháp luật nói trên đều hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 09 năm 2008. Nghiêm cấm việc ban hành và quy định không đúng thẩm quyền về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Điều 29 Luật Đầu tư quy định lĩnh vực đầu tư có điều kiện bao gồm:

Lĩnh vực tác động đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng;
Lĩnh vực tác động đến sức khỏe cộng đồng;
Văn hóa, thông tin, báo chí, xuất bản;
Dịch vụ giải trí;
Kinh doanh bất động sản;
Khảo sát, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên; môi trường sinh thái;
Phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo;
Một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài các lĩnh vực nêu trên, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện còn bao gồm các lĩnh vực đầu tư theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư trong các lĩnh vực không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, nhưng trong quá trình hoạt động, lĩnh vực đã đầu tư được bổ sung vào danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư vẫn được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đó.

Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên.

Căn cứ vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và phù hợp với các cam kết trong điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Chính phủ quy định danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện, các điều kiện liên quan đến việc thành lập tổ chức kinh tế, hình thức đầu tư, mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực đối với đầu tư nước ngoài. Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài đang được quy định tại Phụ lục III, ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006.

Những điều kiện kinh doanh đặt ra đối với chủ thể kinh doanh bao gồm điều kiện về loại hình kinh doanh, về vốn, về cơ sở vật chất như mặt bằng, trang thiết bị dùng cho kinh doanh hoặc điều kiện đối với cá nhân những người trực tiếp thực hiện, quản lý hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp đó. Những điều kiện kinh doanh phải được quy định đồng thời trong chính các văn bản pháp luật đã quy định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Hiện hành, theo Điều 8 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 điều kiện kinh doanh thể hiện dưới các hình thức sau đây:

Giấy phép kinh doanh;
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;
Chứng chỉ hành nghề
Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
Xác nhận vốn pháp định;
Chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Những yêu cầu khác mà doanh nghiệp phải thực hiện hoặc phải có mới được quyền kinh doanh ngành nghề đó mà không cần xác nhận, chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đứng trên góc độ thủ tục đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh được chia thành 2 loại:

Một là, loại điều kiện phải thể hiện trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, nghĩa là những điều kiện mà doanh nghiệp phải thỏa mãn trước khi đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chỉ được coi là hợp lệ nếu đã có những tài liệu theo quy định của pháp luật và sự đáp ứng những điều kiện này là một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cấp đăng ký doanh nghiệp. Đó là những điều kiện về vốn pháp định và về chứng chỉ hành nghề.

Ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, mức vốn pháp định cụ thể, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn pháp định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định, hồ sơ, điều kiện và cách thức xác nhận vốn pháp định áp dụng theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty TNHH, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc) đối với công ty cổ phần, tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của vốn được xác nhận là vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm mức vốn điều lệ thực tế không thấp hơn mức vốn pháp định đã được xác nhận trong cả quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có vốn pháp định, trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có thêm xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định. Người trực tiếp xác nhận vốn pháp định cùng liên đới chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số vốn tại thời điểm xác nhận.

Đối với doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành, nghề phải có vốn pháp định thì không yêu cầu phải có thêm xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định nếu vốn chủ sở hữu được ghi trong bảng tổng kết tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm không quá 03 tháng, kể từ ngày nộp hồ sơ, lớn hơn hoặc bằng mức vốn pháp định theo quy định.

Chứng chỉ hành nghề là văn bản mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được* Nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp về một ngành, nghề nhất định.

Chứng chỉ hành nghề được cấp ở nước ngoài không có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề và điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, việc đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ sung ngành, nghề kinh doanh đó phải thực hiện theo quy định dưới đây:

Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, giám đốc của doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh đó phải có chứng chỉ hành nghề.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật yêu cầu giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề, giám đốc của doanh nghiệp đó và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó phải có chứng chỉ hành nghề.

Mỗi cá nhân chỉ được sử dụng chứng chỉ hành nghề để đăng ký kinh doanh ở một doanh nghiệp.

Trong những lĩnh vực kinh doanh đặc thù như bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng, dịch vụ kế toán, kiểm toán v.v..., pháp luật quy định cụ thể những loại hình doanh nghiệp được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh. Pháp luật cũng quy định những ngành nghề nhất thiết phải thành lập công ty hợp danh hoặc chỉ dành cho những loại doanh nghiệp nhất định. Trong một số trường hợp, pháp luật chuyên ngành còn quy định điều kiện đối với tổ chức kinh doanh. Chẳng hạn, Luật Xây dựng quy định năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức, được xác định theo cấp bậc trên cơ sở năng lực hành nghề xây dựng của các cá nhân trong tổ chức, kinh nghiệm hoạt động xây dựng, khả năng tài chính, thiết bị và năng lực quản lý của tổ chức.

Hai là, loại điều kiện không đặt ra khi đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền đòi hỏi việc đáp ứng những điều kiện này trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đáp ứng những điều kiện này sau khi được cấp đăng ký doanh nghiệp. Có nhiều hình thức thể hiện điều kiện kinh doanh loại này như giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều kiện kinh doanh không cần giấy phép).

Giấy phép kinh doanh đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp sau khi xem xét hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp. Giấy phép này có thời hạn và chỉ có hiệu lực khi doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện pháp luật đặt ra.

Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không cần giấy phép, doanh nghiệp phải thỏa mãn và duy trì trong suốt quá trình hoạt động những quy định về bảo hiểm nghề nghiệp, về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, quy định về những yêu cầu khác cho hoạt động kinh doanh và được thể hiện qua giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng nhận bảo hiểm. Theo quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của pháp luật hiện hành, những điều kiện đặt ra cho những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện loại này chỉ bắt buộc khi doanh nghiệp thực sự tiến hành hoạt động kinh doanh mà không phải đáp ứng khi đăng ký doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh các ngành, nghề này khi doanh nghiệp đăng ký thành lập công ty hoặc đăng ký bổ sung, thay đổi ngành, nghề.

Doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào, nếu ngành, nghề kinh doanh đó không thuộc ngành, nghề cấm kinh doanh và không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đó kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nếu doanh nghiệp tiến hành kinh doanh khi không đủ điều kiện theo quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty và Giám đốc/Tổng giám đốc (đối với công ty TNHH), Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc (đối với công ty cổ phần), tất cả các thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh) và chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân) phải cùng liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kinh doanh đó.


Những quy định cụ thể đối với việc kinh doanh các ngành, nghề cấm kinh doanh trong một số trường hợp đặc biệt được phép của Thủ tướng Chính phủ và đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Trường hợp phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền khẳng định doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.


Nhóm thứ ba, ngành, nghề kinh doanh được khuyến khích thuộc những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Trong từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước xác định những lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, trong đó có những ngành, nghề cần ưu tiên và dành những ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư vào những lĩnh vực này về thuế, tài chính, tín dụng, sử dụng đất và các ưu đãi khác. Luật Đầu tư 2005 quy định lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 27, 28). Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục I, II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006. Thủ tục thực hiện ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2005.


Ngoài ra, để thực hiện khuyến khích và hỗ trợ đầu tư chung cho các ngành nghề, Nhà nước thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư, quỹ hỗ trợ xuất khẩu, quỹ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, khuyến khích các hoạt động hỗ trợ đầu tư khác như: tư vấn về pháp lý, đầu tư, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; đào tạo nghề, cán bộ kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn và quản lý kinh tế; cung cấp thông tin về thị trường, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; tiếp thị, xúc tiến thương mại và thành lập các hiệp hội ngành nghề sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội xuất, nhập khẩu.

Ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh. Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23-1-2007 ban hành hệ thống ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.

Căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.



Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.



Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để xem xét bổ sung mã mới.
Dịch vụ tư vấn thành lập công ty
Đăng trả lời
  • Similar Topics
    Trả lời
    Xem
    Bài viết mới nhất

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 7 khách